Phong thủy

Sử dụng loại đèn nào cho bể cá cảnh của bạn

Sử dụng ánh sáng và loại đèn chiếu sáng như thế nào là hợp lý cho bể cá cảnh vốn là câu hỏi khó cho người mới nuôi cá cảnh. Đèn chiếu sáng không chỉ có tác dụng làm gia tăng giá trị thẩm mỹ cho bể và sinh vật trong bể cảnh, mà còn có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của sinh vật, đặc biệt đối với các bể thủy sinh...

Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn một số loại đèn đang được sử dụng và một số chia sẻ về quản lí chiếu sáng cho bể cá cảnh của bạn:

 Loại ánh sáng bạn cần dùng phụ thuộc vào đối tượng bạn muốn nuôi. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những hướng dẫn chung nhất về cách lựa chọn đèn bể cá dựa trên loại bể nuôi. Bạn cần tìm hiểu thêm về yêu cầu sử dụng ánh sáng cho các sinh vật cụ thể để có quyết định tốt nhất.

I. Các loại đèn chiếu sáng

Có nhiều loại đèn chiếu sáng cho bể cá cảnh được bày bán trên thị trường khiến những người mới nuôi cá cảnh gặp nhiều bối rối. Các loại đèn cơ bản bao gồm:

1.1 Đèn huỳnh quang thường: đây là loại đèn được dùng phổ biến nhất và rất dễ mua, công suất từ 15-40W và nhiệt độ màu sắc từ 3000 - 10000Kelvin. Loại đèn này rẻ nên tiện lợi trong sử dụng và dễ thay thế.

1.2 Đèn huỳnh quang compact: đây là loại đèn cải tiến của loại đèn huỳnh quang thường, với công suất từ 10-100W và nhiệt độ màu sắc từ 5000-10000° Kelvin. Ánh sáng của đèn này thật sự mạnh và sáng nhưng có thể làm cho nước trong bể bị nóng lên. Để vận hành đèn này cần có một mũ chụp đặc biệt có gắn cánh quạt kèm theo.

1.3 Đèn huỳnh quang HO (high output): có công suất 20-60 W và nhiệt độ màu sắc từ  6000 - 11000 Kelvin. Đèn này giá khá cao, tuổi thọ lâu nhưng cần một đế giữ đèn loại T5.

1.4 Đèn huỳnh quang VHO (very high output): có công suất 75-160W và nhiệt độ màu sắc 10000-20000° Kelvin. Đèn cần một vật dằn hay một đế giữ đặc biệt, đi đôi với cánh quạt để làm mát đèn và bể. Bạn cần mua thêm bộ giảm nhiệt cho bể để tránh tình trạng bể bị quá nóng.

1.5 Đèn Metal Halide: có công suất 175-1000W và nhiệt độ màu sắc từ 5000-20000° Kelvin. Loại này gần giống với ánh sáng mặt trời nhất về độ sáng, đắt nhất, và tỏa nhiệt nhiều nhất. Đây là loại đèn chuyên dụng cho các bể san hô cần cường độ ánh sáng mạnh.

1.6 Đèn LED (Light Emitting Diodes): đây có lẽ sẽ là loại đèn của bể cá cảnh trong tương lai, mặc dù hiện tại giá vẫn còn cao. Đèn LED có nhiều ưu điểm hơn hẳn các loại đèn chiếu sáng khác, như mát hơn khi hoạt động, tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ lâu hơn, dễ sắp đặt do kích thước nhỏ.

II. Các loại bể cá và đèn

2.1 Đèn trong bể cá nước ngọt: Trong hồ không có cây thủy sinh, ta có thể dùng những đèn có công suất thấp từ 18-40W và chúng có tuổi thọ 1 năm hoặc hơn.

2.2 Đèn trong bể thủy sinh: Hồ có trồng cây thủy sinh cần hệ thống đèn nâng cấp hơn, tùy thuộc các yếu tố độ sâu của hồ, loại cây thủy sinh và mức độ tăng trưởng của cây dự kiến. Bể cần được cung cấp tối thiểu là 0,5-1W/L nước. Cần tìm hiểu thêm về đặc điểm của cây để biết nhu cầu ánh sáng cần dùng.

2.3 Đèn trong bể cá biển: cần dùng đèn huỳnh quang thường có độ quang phổ đầy đủ.

2.4 Đèn trong bể cá biển có thảm đáy: bể dạng này thường có san hô, sò… cần ánh sáng mạnh như ánh sáng của đèn huỳnh quang VHO hay đèn metal halide, với công suất từ 1-2,5 W/L nước. Cần tìm hiểu thêm nhu cầu ánh sáng của sinh vật muốn nuôi. Đèn tỏa ra lượng nhiệt lớn do đó cần phải có thiết bị làm mát để giữ cho nhiệt độ trong hồ ở mức có thể chấp nhận được.

III. Thời gian chiếu sáng

Bạn nên để ánh sáng trong bao lâu? Đây là câu hỏi rất thường gặp. Thông thường khoảng thích hợp là 6-12 giờ. Nên nhớ rằng cá cũng cần thời gian nghỉ ngơi giống như những loài động vật khác. Ánh sáng chiếu quá lâu có thể làm cho tảo phát triển quá mức, không tốt cho cá. Để đề phòng trường hợp này bạn cần có bộ hẹn giờ chiếu sáng.

Sưu tầm